CHÚA GIÊSU: MẪU GƯƠNG ĐỐI THOẠI - CHÚA NHẬT III MÙA CHAY A (Ga 4,5-42)

Chúa Giêsu - Mẫu gương đối thoại

Chúa Giêsu - Mẫu gương đối thoại

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ thật thú vị giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari. Với lối văn miêu tả thật tỉ mỉ đến từng chi tiết, thánh sử Gioan đã phát họa nên một bức tranh hội thoại vô cùng sinh động, làm trồi hiện lên những điểm chốt quan trọng. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu để rút ra bài học áp dụng cho bản thân.
CHÚA GIÊSU: MẪU GƯƠNG ĐỐI THOẠI - CHÚA NHẬT III MÙA CHAY A
(Ga 4,5-42)


Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ thật thú vị giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari. Với lối văn miêu tả thật tỉ mỉ đến từng chi tiết, thánh sử Gioan đã phát họa nên một bức tranh hội thoại vô cùng sinh động, làm trồi hiện lên những điểm chốt quan trọng. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu để rút ra bài học áp dụng cho bản thân.

1. Bối cảnh của cuộc gặp gỡ:

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau dựng lại khung cảnh của sự việc.
Theo địa lý, Palestine từ bắc xuống nam dài khoảng gần hai trăm cây số. Vào thời Chúa Giêsu, nó được chia thành ba vùng khác nhau: phía Bắc là Galilê, phía Nam là Giuđê, ở giữa là Samari.

Dân Do thái và dân Samari có mối bất hòa rất lớn, kéo dài nhiều thế kỷ (x. 2V 17,6.24). Vì Samari ở giữa, nên muốn đi từ Giuđê sang Galilê, người ta phải đi ngang qua Samari, mất khoảng ba ngày đàng. Khách hành hương từ Galilê lên Giêrusalem thường bị người Samari chặn đường. Nếu đi đường khác để tránh Samari thì phải đi vòng qua sông Giô-đan, đoạn đường này dài gấp đôi.

Trên đường từ Giuđê sang Galilê, Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường gần, tức là băng qua Samari. Theo hành trình, Thầy trò đến một thành phố tên là Si-ca. Cách Si-ca một cây số, có một ngã ba. Ngay tại ngã ba này, có một cái giếng, gọi là giếng Gia-cóp (vì Gia-cóp có mua một mảnh đất nhỏ tại đây. Xác của Gia-cóp sau này cũng được đưa từ Ai-cập về đây chôn cất). Lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đến nơi thì trời đang trưa nắng. Vì đường xa mệt mỏi, Ngài ngồi nghỉ chân bên giếng nước trong khi các môn đệ vào làng để mua thức ăn.

Cùng thời điểm đó, người phụ nữ Samari đến giếng để lấy nước. Giếng này sâu hơn ba mươi mét, phải có gầu dây mới múc nước lên được. Vì vậy, Chúa Giêsu đã xin người phụ nữ cho Ngài uống tạm chút nước. Chính sự gặp gỡ có vẻ ngẫu nhiên này lại mở đầu cho cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ.

2. Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ:

Cuộc gặp gỡ bắt đầu từ việc Chúa Giêsu xin nước, rồi đến thái độ ngạc nhiên của người phụ nữ, sau cùng là mạc khải của Chúa Giêsu về Nước Trường Sinh. Lúc đầu, Chúa Giêsu là Người xin nước, nhưng sau đó, người phụ nữ lại là kẻ đi xin Nước của Chúa Giêsu. Không biết người phụ nữ có hiểu được mạc khải sâu xa về Nước Trường Sinh của Chúa Giêsu hay không, nhưng dù sao đi nữa, qua cuộc gặp gỡ này, Ngài đã vén mở một cách thế để đến với lương dân, đó chính là tinh thần đối thoại.

Để đối thoại với người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu đã chấp nhận những rủi ro có thể xảy đến với Ngài: Ngài sẽ bị búa rìu của dư luận và tập tục phê phán, bị các môn đệ hiểu lầm, vì dám nói chuyện công khai với một người phụ nữ ở giữa nơi công cộng, điều mà luật không cho bất cứ vị đạo sĩ nào làm. Đã vậy, đây lại là người phụ nữ Samari, kẻ thù của dân Do thái, cũng là người đang bị mang tiếng xấu.

Chúa Giêsu ý thức rất rõ điều đó. Tuy nhiên, Ngài vẫn chủ động đối thoại với chị. Nhờ cuộc đối thoại, Ngài đã gỡ bỏ hàng rào ngăn cách giữa người Do thái và Samari, xua tan mối bất hòa chia rẽ giữa hai quốc gia suốt mấy trăm năm. Từ việc đối thoại, Ngài muốn cho mọi người thấy được tính cách phổ quát của Phúc Âm. Bởi lẽ, ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho dân tộc Do thái, nhưng còn được dành cho cả dân ngoại, cụ thể là người Samari. Đặc biệt hơn, Ngài muốn khai mở ra một cách thế độc đáo và hiệu quả trong việc truyền giáo, đó là “đối thoại chứ không đối đầu”.

3. Nhận thức và áp dụng:

Đối thoại là chấp nhận vượt qua những rào cản của lề thói, của sự dị biệt văn hóa, của não trạng và những ý thức hệ, của niềm tin tôn giáo, của những nghi kỵ và thù hận vì hiểu lầm… Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cần phải vượt qua vẫn là chính con người của mình. Bởi vì muốn đối thoại, cần phải ra khỏi bản thân, đặt mình vào vị thế và suy nghĩ của người khác thì mới có thể hiểu họ và cảm thông với họ. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự hy sinh, chấp nhận những thiệt thòi và rủi ro có thể xảy đến cho mình.

Chúa Giêsu đã chấp nhận băng qua Samari, chạm chân vào vùng đất của họ, chạm tay vào giếng nước của họ, chạm mặt với họ, đối thoại với họ để lắng nghe và thấu hiểu lòng họ. Dù khiêm tốn đi bước trước, nhưng Ngài không luồng cúi, không bị động, không để cho người phụ nữ chiếm ưu thế. Ngược lại, Ngài tế nhị và chủ động lèo lái câu chuyện, để mọi sự diễn tiến theo ý Ngài muốn. Cuối cùng, Ngài đã thuyết phục được người phụ nữ, bằng chứng là bà ta đã xin Ngài ban cho Nước Trường Sinh.

Ngày nay, đối thoại vẫn đang là phương cách mà Giáo Hội luôn áp dụng và khuyến khích chúng ta thực hiện để rao giảng Tin Mừng. Có nhiều loại đối thoại: đối thoại qua các phương tiện thông tin đại chúng, đối thoại trực tiếp qua gặp gỡ, đối thoại gián tiếp qua cách sống… Đối thoại nào cũng có điểm mạnh của nó, nhưng thiết tưởng, gần gũi và cụ thể nhất vẫn là đối thoại qua cách sống. Bởi lẽ, nếu chúng ta sống liêm chính, tôn trọng công bình bác ái, biết quan tâm đến người khác, thì đó chính là những lời đối thoại sống động nhất đối với mọi người.

Xin Chúa chúng ta biết nỗ lực sống tốt và sống đẹp, để đem Chúa đến cho anh chị em lương dân. Amen.

Tác giả bài viết: Lưu Ly Thảo

Nguồn tin: GPNT