Đang truy cập : 3
Hôm nay : 15
Tháng hiện tại : 10562
Tổng lượt truy cập : 790889
Tôma Trần Văn Thiện sinh tại Trung Quán, tỉnh Quảng Bình, năm 1920, trong một gia đình đạo đức đã trải qua hai đời tin theo Ðạo Chúa.
Tôma Thiện từ nhỏ đã tỏ ra đạo đức khôn ngoan và lễ độ. Năm lên 8, cậu đã theo học chữ Nho với cha Thọ. Sau khi đã học tiếng La Tinh với Cha Wial, năm 18 tuổi, Tôma Thiện được giới thiệu vào Chủng Viện Di Loan, Quảng Trị, do Cha Candalh (cố Kim) điều khiển. Bình minh sáng mùng 6 tháng 6 năm 1838, quân lính mở cuộc phong tỏa Di Loan, lùng bắt cố Kim về tội cả gan thiết lập một trường đạo ở đây. Cố Kim đã kịp trốn thoát. Ðám lính liền bắt một số giáo hữu, trong đó có hai chị em Tôma Thiện cũng vừa mới tới Di Loan. Tất cả đều bị giải về Quảng Trị.
Trong khi hỏi cung, thấy Tôma Thiện khôi ngô tuấn tú, đối đáp nhanh nhẹn hoạt bát, có vẻ con nhà nho sĩ, các quan nghi ngờ cậu là đồ đệ của đạo trưởng, càng giữ lại lâu để vặn hỏi cặn kẽ hơn. Tôma khai mình mới từ Quảng Trị vào, chưa kể gặp cố Kim (Cha Candalh), nhưng hiên ngang xưng mình là người có đạo, không chút sợ hãi. Cậu xác quyết một lòng thờ phượng Thiên Chúa tạo thành trời đất, thà chết chẳng thà bỏ đạo.
Trước sự cứng cỏi của chàng thanh niên 18 tuổi, quan thẩm tra bèn quay sang đấu dịu: “Cậu là con nhà nho sĩ, tương lai cậu sẽ tốt đẹp. Nếu cậu bỏ đạo, tôi sẽ gả con gái cho, và liệu cho cậu nên quan”.
Tôma Thiện ngẩng đầu lên, chỉ trời mà nói: “Tôi ao ước chức tước ở trên trời mà thôi, còn phẩm hàm ở đời này tôi chẳng màng.”
Câu nói khí thái của Tôma Thiện làm cho quan không còn bình tĩnh được nữa. Ông quát tháo ầm ĩ và truyền cho lính: “Ðem nó nọc xuống, đánh một trận cho nó biết thân.”
Dưới trận mưa đòn, anh hùng trẻ tuổi Tôma Thiện chẳng chút sờn lòng. Cậu còn sung sướng nói lên: “Ôi hạnh phúc thay tôi được đổ máu vì Chúa”.
Sáng hôm sau, ngày 18-7-1832, lính đưa vào nhà lao một người tù mới, Cha Jaccard. Tôma Trần Văn Thiện hết lòng cám đội ơn Chúa đã ban cho mình một vị linh mục để chia vui sẻ buồn cùng để gíup cậu nung thêm ý chí phấn đấu đón nhận những cực hình đang chờ đợi tiếp sau. Ngày 16-8, cha Jaccard và Tôma Thiện lại bị đưa ra pháp trường, không phải để chịu chết mà là để nhận một trận đòn nữa đau đớn hơn.
Một hôm, cửa ngục lại mở. Lần này có mấy cụ đồ vào “thăm” cậu Thiện. Vì nghe biết tiếng cậu, các cụ tự cho mình “lỗi đạo với thầy Khổng Tử nếu không đến giục cậu cải tà quy chánh”. Các cụ trưng đủ mọi lý lẽ và lời hay ý đẹp của thánh hiền để làm mềm lòng cậu Thiện cho cậu bỏ đạo. Tôma Thiện không buồn đáp một lời khiến các cụ thất vọng kéo nhau rút lui, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Ngu giả bất cập. Sách nói không sai”.
Ngày 18-9-1832, vua Minh Mạng châu phê bản án tử hình Cha Jaccard và Tôma Thiện. Ngày 21-9, một toán lính cùng hai võ quan cưỡi ngựa vào ngục thất. Bản án được tuyên đọc. Lính điệu cha Jaccard và Tôma Thiện ra pháp trường. Nơi xử là Phan Biều, bên kia sông, đối diện với thành Quảng Trị.
Theo yêu cầu của Cha Jaccard, lính cho Cha và Tôma Thiện cùng quỳ mặt đối mặt nhau. Hai dây thòng lọng tròng vào cổ hai Cha con. Hồi chiêng trống vừa dứt, Tôma Thiện ngước mắt trông lên trời, quân lính hai đầu dây, nắm kéo dây thật mạnh. Tôma Thiện gục đầu tắt thở. Sau khi chứng kiến cái chết anh hùng của cậu chủng sinh can đảm, Cha Jaccard cũng đưa cổ ra, chịu hành hình y như vậy.
Tôma Trần Văn Thiện được Ðức Lêô XIII tôn phong Chân Phước ngày 27-5-1900. Tên của vị Anh Hùng Tuổi Trẻ được Ðức Gioan Phaolô II chính thức và long trọng ghi vào sổ các Thánh ngày 19-6-1988.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn