Đang truy cập : 8
•Máy chủ tìm kiếm : 4
•Khách viếng thăm : 4
Hôm nay : 50
Tháng hiện tại : 2951
Tổng lượt truy cập : 797472
Giuse ĐINH TƯỜNG HUẤN 19.10.1997 -19.10.2022
---------
Một Linh Mục Gương Mẫu, Thánh Thiện
Tôi được diễm phúc biết và sống với Ngài từ năm 1958. Khi đó ngài là Cha Giám Đốc Tiểu chủng viện Mỹ Đức Thái Bình di cư, tạm trú tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ Tấn Tài, Phan Rang, Ninh Thuận.
Ngày 12.08.1558, sau khi vựt qua kỳ thi tuyển chủng sinh tại Tu Viện Á Thánh Nguyễn duy Khang của cha cố Bề Trên Vũ khoa Cử, ở Thị Nghè, thuộc gp. Sài Gòn, lớp chúng tôi được thầy Thái hướng dẫn đi tàu lửa ra Phan Rang. Tới nhà ga Tháp chàm, chúng tôi được 2 chiếc xe nhà bình GMC đưa về chủng viện. Tiểu Chủng viện đơn sơ nghèo nàn lắm, một dãy nhà tạm bằng gỗ ghép ván, lợp bằng lá dừa, dọc theo bên hông phải nhà thờ. Đó là chỗ ở cho hơn 100 chú từ lớp đệ thất cho đến lớp đệ tứ.
Bắt đầu từ năm nay, Chủng viện có lớp đệ bát, ie lớp dự bị lên đệ thất. Sau khi ổn định chỗ ngủ, mỗi chú một giường, có đánh số, một học để đồ cá nhân.
Sau cơm tối, tất cả anh em chủng sinh lớn bé được tập trung tại nhà nguyện trong khu vườn trước Nhà Vuông của cha sở - Cố Marc Lefevre Kim, MEP – một dãy nhà tạm, nền ximăng, nhà gỗ, vách ghép ván, vừa làm nhà nguyện, vừa làm phòng hội - để chào Cha Giám Đốc cùng quý Cha, quý Thầy trong Ban Giáo Sư của chủng viện. Ấn tượng đầu tiên chúng tôi khi thấy Cha Giám Đốc Cha Giuse Đinh tường Huấn, dáng người dong dỏng cao, trắng, tướng diện oai phong quắc thước, rất đẹp trai và quý phái; thế nhưng ngài lại có một phong thái rất thân thương, gần gũi, dễ thương và dễ mến. Bất cứ ai, không phân biệt lớn bé, già trẻ, lương giáo đã một lần tiếp xúc với ngài đều không thể quên được cung cách tiếp xúc gặp gỡ của ngài; không ai ra về mà không có một ấn tượng đẹp về ngài.
Lớp tôi – Lớp Thánh Gia - có một thằng bạn, nhớ nhà quá cứ khóc đòi về hoài, ngày nào nó cũng vô phòng cha Giám Đốc năn nỉ đòi về; ngài cứ nhẹ nhàng dụ, cho kẹo, rồi tỉ tê khuyên bảo, - dùng kế hoãn binh: con ráng vài bữa nữa có tầu, cha sẽ cho thầy đưa con ra tàu về... hết một tuần không có tàu. Thế là thằng bé quên dần và vui vẻ ở lại với anh em. Sau này được thụ phong Linh Mục, được làm cha sở, Cha Hạt Trưởng thuộc giáo phận Vĩnh Long, đó là cha Augustinô Nguyễn sơn Đoài. Nay ngài đã về với Chúa.
Chúng tôi sống dưới sự chăm sóc dạy dỗ của Cha Giám Đốc Giuse cho đến hết năm Đệ Tứ 1963... Mỗi tuần ngài đều dành cho chúng tôi ½ giờ huấn đức; dạy về nhân bản từ lời ăn tiếng nói, cách xử thế đầy tình người. Ngài dạy cách ăn cách cầm chén dĩa, cách và cơm, húp canh... ăn trông nồi, ngồi trông hướng!
Dù sau này, chúng tôi phải xa ngài để tiếp tục tu học tại những môi trường khác, nhưng tình thầy trò giữa chúng tôi với cha Giám Đốc vẫn mãi rất thân thương gần gũi. Ai cũng nhắc tới ngài với tất cả niềm trọng kính, tri ân, mến phục. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì được sống và học hỏi được rất nhiều điều trong cuộc sống nhờ được chung sống với các vị tôn sư thật gương mẫu, có tâm hồn đạo đức thánh thiện, có tác phong tuyệt vời khó quên...
Đầu năm 1963, Cha Giám Đốc Giuse của chúng tôi được ĐGM Giáo Phận đề cử làm Cha Quản xứ tiên khởi của Giáo xứ Phan Rang, mới được tách ra từ Gx. Tấn Tài.
Sau năm 1964, hết chế độ Các chủng viện di cư, nên trường Trương vĩnh Ký – tên chủng viện cũ cũng được dời ra khỏi khuôn viên nhà thờ Tấn tài và được xây mới thuộc khuôn viên nhà thờ Phan Rang. Tuy biệt lập, nhưng các cha giáo sư của nhà trường vần tích cực hỗ trợ cha Nguyên Giám Đốc trong cương vị Quản Xứ.
Chính vì ơn gọi truyền giáo cho anh chị em dân tộc Chăm, mà tôi xin nhập giáo phận Nha Trang. Đức Cha Piquet Lợi cho tôi lên học tại Giáo Hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt. Thời gian tu học triết họ và thần học, mỗi kỳ hè, tôi đều có dịp trở về Phan Rang không những để thăm lại Cha Giám Đốc, và các cha giáo, mà còn để tiếp xúc và học tiếng Chăm nữa. Tôi tạm trú bên trường Trương vĩnh Ký.
Sau biến cố 1975, và sau khi nhận bằng tốt nghiệp Cử Nhân Thần Học, tôi nhận bài sai về làm Phó xứ Phước Đức – Cầu Bảo ngày nay), kiêm Giáo sư dạy các Thầy Đại chủng sinh của Giáo phận thuộc 2 Trung Tâm Phước Đức (6) do Cha Sở JB. Hoàng kim Đạt Phụ trách và Tấn Tài (5) do Cha Giuse Trần văn Láng phụ trách. Và tôi lại có nhiều dịp để tiếp xúc và làm việc với Cha nguyên giám đốc Giuse; lúc này ngài vừa là Cha Chánh xứ Phan Rang, vừa kế nhiệm Cố Chính P. Gauthier Báu, làm Cha hạt trưởng giáo hạt Phan Rang, bao gồm tất cả các Giáo xứ thuộc tỉnh Ninh Thuận. Ngài là linh mục Việt nam đầu tiên làm hạt trưởng trong giáo phận.
Cha Giuse là một linh mục rất khôn ngoan và khéo léo, tế nhị trong cách đối nhân xử thế; vừa về phía giáo quyền, lẫn về phía chính quyền.
Về phía Giáo quyền: ngài sống rất đạo đức, trung thực, nghiêm túc, được lòng các Cố Tây, vừa được các Cha Việt nam trong giáo phận chẳng những quý mến, mà con tâm phục khẩu phục nữa. Nói đến Cha Giuse Đinh tường Huấn là ai ai cũng kính, cũng mến, cũng nể; chẳng vậy mà Ngài đã giữ trọng trách hạt trưởng tới 34 năm, cho tới khi Chúa gọi ngài về năm 1997, từ thời Đức Cha Marcel Piquet Lợi, Đức Cha Fr.X Nguyễn văn Thuận và Đức Cha Phó Phêrô Nguyễn văn Nho nhất là Đức Cha chính Phalô Nguyễn văn Hòa , đặc biệt thời gian sau biến cố 1975.
Đối với chính quyền, cách ứng xử của ngài cũng rất khéo léo, nhẹ nhàng, tế nhị. Phong cách quý phái lịch thiệp; tuyệt đối không o bế, xu nịnh ai; nhưng bí quyết thành công của ngài là thành thực yêu thương và tôn trọng hết mọi người từ lớn chí bé, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo. Chẳng vậy mà ngài đã đứng vững lèo lái con thuyền giáo hạt và giáo xứ Phan Rang kinh qua mọi thăng trầm của thời thế, từ Việt Nam Cộng Hòa tới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa; biết bao biến cố lớn nhỏ, biết bao khó khăn thử thách phải vượt qua. Tóm lại Chúa cho ngài có một cái uy tự nhiên toát ra từ tướng mạo, phong cách của ngài. Các cấp chính quyền nói, không ai có thể nhìn thẳng vào mắt ngài mà không bị khuất phục. Ngài ít nói, nhưng đặc biệt biết lắng nghe, và đồng cảm. Ngài là một nhà tư vấn tuyệt vời. Rất nhiều người cả giáo quyền lẫn chính quyền đều đến bàn hỏi trao đổi xin ý kiến của ngài.
Bởi đâu ngài đạt được những thành công mỹ mãn về mọi phương diện đạo, đời như thế? Đâu là bí quyết của ngài?
Là người được sống gần gũi và cộng tác trực tiếp với Ngài, nhất là trong cương vị Phó xứ từ năm 1991 cho đến khi ngài qua đời năm 1997, tôi có thể nói phần nào đã hiểu được bí kíp đích thực đã biến ngài trở thành người của Thiên Chúa, người của mọi người như vậy. Dĩ nhiên, nhân vô thập toàn. Chẳng ai làm vừa lòng được tất cả mọi người; nhưng dầu sao. Một cách khách quan ai đã từng biết, từng sống, từng tiếp xúc với ngài, đều phải công nhận ngài thật là một linh mục tốt lành, đạo đức thánh thiện; sống tốt đời đẹp đạo.
Dưới đây, tôi xin mạn phép chia sẻ đôi nét mà theo tôi, đó chính là bí quyết đã biến ngài trở thành một linh mục, một mục tử hiền lành và khiêm nhường như lòng Chúa mong ước:
Đó là 2 bí kíp cơ bản đã giúp ngài được Chúa mặc cho đức tính dịu hiền và khiêm tốn; đồng thời ban cho ngài ơn khôn ngoan để biết cách ứng xử tế nhị, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn thử thách, đặc biệt trong lúc giao thời giữa 2 chế độ.
Thêm vào đó, ngài có một đời sống cá nhân nghiêm túc, mẫu mực, khó nghèo. Ngài có một kỷ luật sống cá nhân khá đều đặn chừng mực, sống giản dị cả trong các vật dụng cá nhân, lẫn nhà cửa, phòng ốc, đồ ăn thức uống: chúng tôi không thấy ngài tỏ ra khó chịu, kêu ca đòi hỏi. Ai cho gì ăn nấy, chị nuôi nấu sao ăn vậy. Tuy vậy, ngài cũng có tính cả nể, sợ làm mất lòng người ta, nên có khi thức ăn không vừa ý, ngài cũng vui vẻ ăn ngon lành. Có khi no rồi, nhưng người khác đem đến một món nào đó, ngài vẫn ăn tiếp cho vui lòng người cho!
Cũng chính vì tính cả nể và lòng quá thương người này, mà ngài dễ bị người ta lừa về vấn đề tiền bạc! nhưng vì ngài sống nghèo, không lụy người giàu, không xa tránh người nghèo, nên có lẽ cũng chẳng mất mát bao nhiêu!
Khi tôi nhận nhiệm vụ Chánh xứ thay ngài, ngài cũng chẳng bàn giao cho tôi một đồng nào. Có lần tôi đã than thở với Đức Cha Phaolô là con nhận nhiệm vụ Cha Sở một xứ lớn như gx.Phan Rang có chẳng đồng quỹ nào cả. Đức Cha an ủi, động viên, Cha cứ an tâm, Chúa sẽ tạo điều kiện cho cha. Tôi vui vẻ tiếp tục trách nhiệm làm Cha Sở, mà quả thật tôi cũng chẳng thấy thiếu thốn gì; vẫn đâu vào đó. Mọi sinh hoạt của giáo xứ đều diễn tiến tốt đẹp mọi bề. Đó quả thật là mầu nhiệm của ơn hiện sủng, như Chúa nói với Thánh Phaolô: “Ơn của Ta đủ cho con. “
Khi ngài qua đời, theo giáo luật, chúng tôi niêm phong căn phòng riêng của ngài. Nhưng sau đó, TGM cho kiểm kê, chúng tôi không thấy có di chúc; còn trong két sắt to đùng nhưng trống trơn, chỉ thấy có vài trăm ngàn và tờ giấy ghi một người giáo dân mượn ngài 1 cây vàng! Vâng, chỉ có thế thôi.
Cũng vì ngài rất đạo đức, có chiều sâu nội tâm, biểu lộ ra qua lòng mến cách cụ thể. Một trong những đức tính nổi bật của ngài là tính luôn sẵn sàng. Ngài luôn sẵn sàng đối với hết mọi người, và bất kỳ lúc nào. Bất kỳ ai cũng có thể xin gặp ngài cách dễ dàng, vui vẻ không phân biệt người thân quen hay người xa lạ, lương hay giáo...; không hề cằn nhằn ca thán lấy lý do này hay lý do kia để cự nự, rầy la hoặc chối từ; dù giữa trưa, dù nửa đêm, dù đang khi ăn. Đặc biệt là đối với công tác mục vụ. Khi có ai đến xin xưng tội hoặc mời đi xức dầu bệnh nhân là ngài gác lại tất cả để thi hành phận sự. Tại phòng khách luôn có sẵn một tòa giải tội. Ngài có thói quen thường chỉ tiếp khách ở phòng khách, và luôn mặc áo dòng mỗi khi tiếp khách.Đây cũng là bài học rất quý giá cho bản thân tôi.
Ngài rất khiêm tốn, luôn ý thức các giới hạn của mình, vì tuy ngài cũng đã tốt nghiệp ĐCV Thánh Tôma, và có được đi du học ở Hồng Kông một thời gian ngắn sau biến cố 1954, trước khi được gọi về để giúp chủng viện; giữ cương vị Giám Đốc TCV; nhưng ngài cũng không đủ học vị để làm Hiệu Trưởng trường Trương vĩnh Ký. Vì thế ngài luôn vui vẻ, sẵn sàng mời các cha khác cộng tác, giúp đỡ trong các công việc mục vụ và giảng dạy cho giáo dân trong xứ. Tinh thần trách nhiệm của ngài rất cao; ngài cố gắng hết mình để chu toàn sứ vụ trong khả năng Chúa ban; rất nhiệt tình đảm đang việc bổn phận cách âm thầm. Sẵn sàng để các cha phó cộng tác, tự do phát huy sáng kiến trong các công tác mục vụ, - dĩ nhiên là phải có sự chấp thuận của ngài - ân cần chỉ dẫn bằng cách tế nhị chia sẻ cho chúng tôi kinh nghiệm sống, cách đối nhân xử thế ngài học được với các Cố ngày xưa trong các bữa ăn hoặc trong nhưng lúc gặp gỡ thân tình tại phòng khách riêng v.v...
Sau này, bệnh trương nở tĩnh mạch (varisme) chân càng trở nên nặng hơn, máu tụ xuống chân nhiều nên rất đau nhức mỗi khi phải đứng lâu, như khi dâng lễ. Dù vậy ngài không bao giờ kêu than, luôn cố gắng chu toàn bổn phận. Chỉ có điều là mỗi khi ngủ, ngài phải gác chân lên cao cho máu dồn xuống cho đỡ nhức, rồi sau khi thức dậy, ngài phải từ từ lấy băng đàn hồi (plastic) cuốn chân từ háng xuống đến bàn chân, mang vớ rồi mới bước xuống khỏi giường được! Vì thế, khi có khách, đôi khi bất đắc dĩ ngài phải để cho người ta chờ lâu, ngài cũng lấy làm khổ tâm. Dù vậy ngài vẫn vui vẻ, cố gắng chu toàn các công việc mục vụ trong giáo xứ.
Có lần, vào dịp mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo Phận Thái Bình, năm 1996, khi đó tôi đã nhạn nhiêm vụ Quản xứ kế nhiệm ngài rồi. Vì là con cái giáo phân thái bình ở miền Nam, chúng tôi được Đức Cha mời về dự lễ. Cha cố nói tôi lớn tuổi rồi, lại bị bệnh nên thôi, cha đi đi. Tôi có cha phó là cha Phêrô Lê minh Cao, gốc Quảng Trị, chưa biết miền Bắc, nên tôi xin phép cha cố cho ngài cùng đi với tôi vừa đi dự lễ, vừa đi tham quan một vài nơi như Hạ Long, Hà Nội...Ngài đồng ý, nên tôi và cha phó thuê một chiếc xe 4 chỗ lên đường... Sau 10 ngày trở về, chúng tôi thấy ngài vẫn mạnh khỏe, gánh vác mọi công việc mục vụ cách tốt đẹp như khi chúng tôi ở nhà. Vì thế hai anh em chúng tôi nói đùa với nhau:”Té ra đừng có tưởng, một anh già bằng ba thằng trẻ đó”.
Còn một điểm son nữa mà tôi không thể không nói về Cha Cố Giám Đốc Giuse và là vị Thầy kính yêu của chúng tôi trước khi kết thúc những dòng tâm sự này, đó là suốt quá trình 75 cuộc đời và hơn 50 năm thi hành thừa tác vụ Linh Mục của mình, nhờ ơn Chúa Thánh Thể và mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, ngài đã bảo toàn được ơn đức khiết tịnh trong đời sống độc thân linh mục không ai chê trách được, cho đến khi Chúa gọi ngài về. Riêng cá nhân tôi không hề nghe có ai xì xào bàn tán hay nghi ngờ gì đức khiết tịnh của ngài. Tạ ơn Chúa.
Nhân dịp lễ giỗ kỷ niệm 25 năm (19.10.1996-2022) ngài qua đời. Tôi được cha Chánh xứ, cũng là cha Hạt trưởng Phan Rang mời dâng lễ đồng tế với các ngài tại lễ đài Đức Mẹ La-Vang, Phan Rang, bên cạnh mộ ngài; đồng thời ngài ngỏ ý xin tôi nói đôi lời về Cha Cố Giuse. Xin cảm ơn ngài cho tôi có dịp ôn lại một vài kỷ niệm về cha cố Giám Đốc, và vị thầy đáng kính, gương mẫu và thánh thiện này. Dĩ nhiên trong khuôn khổ một bài giảng lễ, tôi chỉ có thể chia sẻ vắn tắt một đôi điều. Nhưng, nhân cơ hội có một không hai này, tôi muốn mượn những trang giấy này để nói lên những cảm nghiệm riêng của tôi về ngài như một chứng từ trung thực về một “người của Thiên Chúa”, một “người của mọi người”. Và nếu có ai hỏi: trong giáo Phận Nha Trang, ai là một linh mục tiêu biểu nhất trong linh mục đoàn giáo phận, tôi sẽ không ngần ngại thưa đó là Cha Giuse Đinh tường Huấn, cựu Quản xứ tiên khởi của Giáo xứ Phan Rang; đồng thời cũng là Cha cựu Hạt trưởng hạt Ninh Thuận suốt 34 năm.
Lạy Cha cố Giuse, Cha Thầy kính yêu của con. Đây là những dòng cảm nghiệm chân thành của con về Cha, trên trời, bên tòa Chúa, xin cha cầu nguyện và chúc lành cho con.
Một người học trò
LM Gioan Maria Trần minh Cương
Những tin cũ hơn