Đang truy cập : 4
Hôm nay : 6
Tháng hiện tại : 10553
Tổng lượt truy cập : 790880
Tôi tin là các họa sĩ nắm bắt sức mạnh của hình ảnh này tốt hơn là các thần học gia và học giả Kinh thánh. Các họa sĩ và diễn giải nghệ thuật thường thể hiện hình ảnh này như sau: Người môn đệ Chúa thương ngả đầu vào ngực Chúa với một tai hướng thẳng vào tim Chúa Giêsu, nhưng mắt thì nhìn thẳng vào thế giới.
Đúng là một hình ảnh hùng hồn! Nếu đặt tai vào ngực người khác, bạn có thể nghe được tiếng tim họ đập. Thế thì người môn đệ này là người hòa chung nhịp tim của Chúa và đang nhìn ra thế giới từ điểm quy chiếu đó.
Xa hơn nữa, thánh Gioan cho chúng ta một loạt hình ảnh để thực tế hóa những hệ quả từ việc nghe tiếng tim Chúa.
Trước hết, người môn đên Chúa thương đã đứng cạnh Đức Mẹ dưới chân thập giá Chúa Giêsu. Hình ảnh này gói gọn điều gì? Trong Tin mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu thừa nhận là đôi khi bóng tối có vẻ lấn át sự thiện và dường như Thiên Chúa bất lực. Đôi khi bóng tối lấn lướt! Cái chết của Chúa Giêsu là một trong những lúc như thế, và người môn đệ Chúa thương, cũng như Đức Mẹ, không thể làm gì khác ngoài đứng đó bất lực giữa muôn trùng tối tăm và bất công. Chẳng thể làm được gì ngoài đứng đó bất lực. Nhưng khi đứng đó, người môn đệ Chúa thương cũng chung vai sát cánh với hàng triệu người nghèo và những nạn nhân trên khắp thế giới, những người chẳng thể làm gì trước cảnh ngộ của mình. Khi người ta đứng đó bất lực, khi chẳng thể làm được gì, khi sự hữu hạn của con người câm nín, thì có thể nảy lên lời cầu nguyện thâm sâu nhất. Rồi sau đó, người môn đệ Chúa thương đưa Đức Mẹ về nhà mình, một hình ảnh không cần phải giải nghĩa gì thêm.
Tuy nhiên, có một hình ảnh thứ hai liên kết với người môn đệ Chúa thương ngả đầu vào ngực Chúa, mà chúng ta cần giải nghĩa đôi chút. Khi người môn đệ đó ngả vào ngực Chúa, thì có một cuộc đối thoại đáng để ý diễn ra. Chúa Giêsu bảo các môn đệ là một người trong số họ sẽ phản bội Ngài. Thánh Phêrô quay sang người môn đệ Chúa thương mà nói: “Hỏi thầy xem đó là ai?” Điều này gợi lên chất vấn: Tại sao Phêrô không tự hỏi Chúa câu đó? Thánh Phêrô đâu có ngồi xa Chúa đến mức không thể tự mình hỏi Chúa câu đó.
Hơn nữa, câu hỏi của thánh Phêrô có tầm quan trọng thực sự khi xét theo bối cảnh sử học. Các học giả ước chừng Tin Mừng theo thánh Gioan được viết vào khoảng những năm 90 đến 100. Khi đó thánh Phêrô đã được công nhận là giáo hoàng và đã chịu tử đạo rồi. Đoạn Tin Mừng này đang nói lên rằng sự mật thiết với Chúa Giêsu cao hơn bất kỳ điều gì khác, kể cả vai vế trong giáo hội, kể cả có là giáo hoàng đi chăng nữa. Lời cầu nguyện của tất cả mọi người đều đi qua người môn đệ Chúa thương. Đức Giáo hoàng không thể cầu nguyện với tư cách Giáo hoàng, nhưng là với tư cách một người môn đệ được Chúa thương như bao Kitô hữu khác. Đức Giáo hoàng có thể cầu nguyện cho thế giới và giáo hội với tư cách Giáo hoàng, nhưng chỉ có thể cầu nguyện riêng với tư cách người môn đệ Chúa thương.
Cuối cùng, trong Tin Mừng theo thánh Gioan nêu bật lên khái niệm rằng sự mật thiết với Chúa Giêsu thì quan trọng hơn vai vế trong Giáo hội, và điều này được mô tả rõ hơn nữa trong buổi sáng ngày Phục Sinh. Maria Magdalena chạy từ mộ về và bảo các môn đệ là ngôi mộ trống. Thánh Phêrô và người môn đệ Chúa thương liền chạy ngay đến mộ. Ta có thể dễ dàng đoán ra ai là người đến đó trước. Người môn đệ Chúa thương dễ dàng đến trước thánh Phêrô, không phải bởi có lẽ do trẻ hơn, nhưng là do tình yêu thì mạnh hơn vị thế. Đức Giáo hoàng cũng có thể đến đó trước, nếu ngài chạy với tư cách người môn đệ Chúa thương chứ không phải tư cách giáo hoàng.
Và mọi người cho rằng người môn đệ Chúa thương chính là thánh Gioan. Có thể đúng là thế, nhưng đấy không phải điều mà những đoạn Tin Mừng này muốn nói. Thân thế theo sử học của người môn đệ Chúa thương được bỏ ngỏ một cách có chủ đích, là bởi Tin mừng muốn khái niệm về người môn đệ Chúa thương là một lời mời gọi và một vai trò hợp với bạn, với mọi Kitô hữu trên đời, bao gồm cả giáo hoàng nữa.
Vậy ai là người môn đệ Chúa thương? Người môn đệ Chúa thương có thể là bất kỳ ai, nam nữ trẻ em, miễn là mật thiết với Chúa Giêsu đủ để hòa nhịp với nhịp tim của Chúa, và nhìn thế giới từ góc nhìn của sự mật thiết đó, cầu nguyện từ sự mật thiết đó, và ra đi trong yêu mến đến tìm Chúa Giêsu Phục sinh và hiểu được ý nghĩa của ngôi mộ trống.
Các hình ảnh thần nghiệm được giải nghĩa rõ nhất nhờ các nhà thần nghiệm khác. Nghĩ như thế, tôi xin để lại cho các bạn một hình ảnh từ Đan phụ Sa mạc thế kỷ IV, Evagrius Ponticus.
Ngực Đức Chúa
Vương quốc Ngài
Ai ngả vào đấy
Là thần học gia
Ronald Rolheiser, 2018-06-04
J.B. Thái Hòa dịch
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn